Like Page để cập nhật tin mới ngay trên facebook nhé

Tư Tưởng Đạo Gia

Tác giả : Thu Giang - Nguyễn Duy Cần
Thể Loại : Văn Hóa - Tôn Giáo

Trong quá trình tan rã của chế độ nô lệ thị tộc, một bộ phận của tầng lớp quý tộc nhỏ không chuyển biến kịp sang giai cấp địa chủ. Họ bị hai thế lực chèn ép: Đại quý tộc áp bức và địa chủ mới lên uy hiếp, địa vị kinh tế và xã hội rất mỏng manh (“Triêu bất bảo tịch”). Họ ý thức được sự tiêu vong không thể tránh nhưng tỏ ra bất lực, có tư tưởng bi quan trước hiện thực. Tư tưởng Đạo gia là phản ánh tư tưởng, nguyện vọng của tầng lớp này.

Đạo gia chia làm nhiều phái, tư tưởng của họ phong phú và đa dạng nhưng đều đồng nhất với nhau ở một điểm là, lợi ích cao nhất của cá nhân là gì, và làm thế nào để đạt tới lợi ích cho cá nhân; tức là họ chủ trương “vị ngã”. Chẳng hạn: Dương Chu nêu lên thuyết “Toàn sinh” (bảo toàn sinh mạng là quan trọng nhất), muốn vậy phải hạn chế dục vọng, coi thường lợi ích của ngoại giới, giữa người với người phải giữ quan hệ hòa khí, làm sao “người không phạm đến ta và ta không phạm đến người”; Trang Tử lại cho rằng lợi ích tối cao của con người không phải là sống lâu hay không sống lâu mà là thỏa mãn dục vọng, do vậy họ chủ trương tiêu dao, hồn nhiên hưởng thụ; Lão Tử cho rằng phải làm theo quy luật của tự nhiên, xã hội tức theo “Nhân đạo” và “Thiên đạo”; có người lại cho rằng lợi ích là phải sống dài lâu nhưng không hạn chế dục vọng mà phải tu luyện thân thế đạt tới “trường sinh bất lão”; có ngưòi cho là muốn “vị ngã” cao nhất thì phải “vô ngã” (hoặc là “vong ngã”). Tất nhiên sự phân biệt như vậy chỉ là rất tương đối, thực tế các phái thâm nhập vào nhau, vay mượn nhau, rất khó nhận ra. Sau đây chúng ta điểm qua những tư tưởng chính của Lão Tử và Trang Tử, mà tư tưởng của họ đã có ảnh hưỏng lớn lúc bấy giờ cũng như sau này trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc.

Lão Tử, còn gọi là Lão Đam, họ Lý, tên là Nhĩ, nguồn gốc và năm sinh năm mất của ông chưa rõ, nhưng có điều chắc chắn là ông sống cùng thời với Khổng Tử.

Về bản thể luận: Trong tư tưởng triết học của Lão Tử, về bản thể luận, “Đạo” là phạm trù quan trọng nhất, ông cho rằng mọi sự sinh thành, biến hóa của vạn vật đều từ “Đạo” mà ra. “Đạo” của Lão Tử nhiều khi được dùng như một thuật ngữ để chỉ về trật tự của tự nhiên, về tính quy luật: “Người theo quy luật của đất, đất theo quy luật của trời, trời theo quy luật của “đạo”, “đạo” theo quy luật của tự nhiên”; nhiều khi Lão Tử lại dùng “Đạo” để hình dung vạn vật, có chỗ ông lại cho “Đạo” là cái có trước vạn vật; có trước hiện tượng đầu tiên: “Đạo” sinh ra “khí thống nhất”, “khí thống nhất” sinh ra hai thứ “âm dương” đối lập, hai thứ “âm dương” đối lập sinh ra ba lực lượng “trời, đất, người”; ba lực lượng đó sinh ra vạn vật”.” Đạo” của Lão Tử là một thứ rất huyền bí, thoát trần, không thể dùng ngôn ngữ, khái niệm để nói và nhận thức về nó: cái “đạo” có thể dùng lời nói để diễn đạt không phải là đạo vĩnh hằng không thay đổi, cái tên có thể nói ra được không phải là tên vĩnh hằng không thay đổi, cái không tên là nguồn gốc của vạn vật, cái có tên là mẹ của vạn vật”, nghĩa là vượt ra ngoài nhận thức của loài người. Trong lý luận bản thể của Lão Tử, gắn liền với phạm trù “Đạo” còn có phạm trù “Đức”. Nếu như “Đạo” là một vật siêu tự nhiên, thần bí khó hiểu thì “Đức” là thứ “lý sâu sắc và phổ biến”, là “hình dáng của vật”, tương đương với tính quy luật tồn tại và vận động của vạn vật: “Đạo làm cho vạn vật sinh trưởng, Đức làm cho vạn vật tươi tốt”, “Đạo quán triệt cả thiên hạ, Đức của nó sẽ trở nên phổ biến… Ta có thể biết được thiên hạ là nhờ đã dựa vào điểm đó”, và như vậy có nghĩa là ngtlòi ta có thế nhận thức được. Đây rõ ràng là nhản tố duy vật trong tư tường triết học về bản thể của Lảo Tử, nhưng tiếc rằng ông đã không nhấn mạnh đến điểm này. ông cho rằng, nếu con người đi sâu vào tìm hiểu ”định lý bên ngoài” (tức là quy luật của vạn vật khách quan) thì sẽ “thất đức”, vì “định lý bên ngoài” thì có còn có mất, có sống có chết bất thường, mà con người cứ đi tìm theo tính chất bất thường ấy sẽ không thể trở về với “Đạo” được.

Xuất phát từ quan niệm “Đạo” như là “tính quy luật của tự nhiên”, như một “thực thể” tinh thần tuyệt đối, Lão Tử đã tiến hơn Khổng Tử một bước trong kết luận về nguồn gốc của lịch sử tự nhiên. Nếu “Đạo trời”, “Tiên vương” (nhân cách hóa tự nhiên) của Khổng Tử còn có tính duy tâm, cảm tính tôn giáo thì “Đạo” của Lão Tử (tất nhiên suy đến cùng cũng là duy tâm) đã được trừu tượng, lý tính hóa ở mức cao. Do vậy, ông cũng đã gián tiếp phủ nhận hữu thần luận; ông nói: “Tính tự nhiên của vạn vật” “có thể làm quỷ thần không thể tác quái”, “sự tác quái của quỷ thần không thể hại người”.

Về nhận thức luận: Có lẽ những biến động xã hội dữ dội, sự thay đổi nhanh chóng địa vị xã hội của các giai tầng trong xã hội cùng những thành tựu dồn dập của khoa học tự nhiên trong thời đại đã là nguồn gốc quan trọng cho những tư tưởng mới mẽ của Lão Tử về lý luận nhận thức, ông chủ trương thuyết “vô danh”, có tư tưởng biện chứng sơ khai. Ông cho rằng mọi khái niệm (“Danh”) chỉ là tương đối, hữu hạn, không phải là cái “Thường” tuyệt đối; mọi vật luôn biến đổi trong từng khoảnh khắc. Cho nên ta vừa gọi là A, thì A đã không phải là A nữa rồi – L.G.T); bất cứ vật nào cũng có hai mặt đối lập dựa vào nhau mà chuyển hóa, đến tận cùng thì xoay ngược lại (như trong phúc có họa, trong dương có âm, âm cực sinh dương…); mọi khái niệm (“Danh”) chẳng qua chỉ là sự so sánh, quy định nhau (tốt là so với xấu, trắng là so với đen…)… và ông đi đến kết luận “cái tên” (“Danh”) có thể nói ra được không phải là tên vĩnh hằng không thay đổi”, cái tên (“Danh”) không nói ra mới là tên vĩnh hằng, đúng nhất, ở đây mặc dù sự suy luận của Lão Tử còn chất phác, lập luận chưa có cơ sở khoa học, nhưng rõ ràng là đã có yếu tố biện chứng trong lý luận về nhận thức của ông: nhận ra sự “đồng nhất” giữa ý thức chủ quan và tự nhiên khách quan trong quá trình nhận thức chân lý tưởng là tương đối, là tạm thời, là cái đúng của ngày hôm nay.

Mặt khác, cũng chính trên lĩnh vực này, Lão Tử đã thể hiện nhiều hạn chế, không tránh khỏi chủ nghĩa duy tâm. Ông cho rằng “cái hình ảnh lớn nhất” là “hình thái không có hình thái, là hình ảnh không có thực chất” [giống “Vật tự nó” của Cantơ ? – L.G.T.], muốn hiểu được nó phải vượt qua sự đối lập giữa chủ quan và khách quan để nhận thức, không thể nhận thức thông qua khái niệm (“Danh”) được mà phải bằng phương pháp tưởng tượng trực giác; ông phủ nhận cực đoan chân lý tương đối (“cái đúng là của ngày hôm nay”) trong quá trình nhận thức; ông hiểu máy móc, cực đoan về tính quy định lẫn nhau giữa các sự vật và không nhận thấy được tính biện chứng, khuynh hướng phát triển trong quá trình đấu tranh, chuyển hóa giữa các mặt của sự vật… Những tư tưởng đó được thể hiện rất rõ trong tư tưởng chính trị – xã hội và đạo đức của Lão Tử.

Có thể nói tâm lý bao trùm trong nhân sinh quan của Lão Tử là tâm lý hoài nghi. Với tâm lý hoài nghi tất cả về thế giới hiện thực, ông chủ trương: con người muốn bảo toàn cần phải trốn tránh hiện thực bằng con đường “thoát tục”, cô lập hóa cá nhân để cuối cùng mỗi cá nhân hòa tan vào thực thể “Đạo”; về lịch sử, ông muốn đưa con người và xã hội loài người trở lại trạng thái “thô phác” ban đầu, ở đó con người hồn nhiên, không có tư hữu, không có đấu tranh. Đó là một nhân sinh quan tiêu cực, phản lại sự tiến bộ của lịch sử.

Lão Tử đã cho rằng những cái mâu thuẫn, đối lập mà thống nhất với nhau trong hiện thực chính là nguồn gốc của mọi sự rối loạn và tai họa trong xã hội: “Khi đạo lớn bị phá bỏ, thì xuất hiện “nhân” và “nghĩa”; khi trí tuệ xuất hiện, thì sinh ra sự giả dối nhiều; khi gia tộc không hòa thuận, thì xuất hiện “hiếu” và “từ”; khi quốc gia rối loạn, thì xuất hiện “trung thần”; và ông cũng cho rằng, sự vật phát triển đến cùng tột sẽ xoay ngược lại: tai nạn sẽ biến thành hạnh phúc, dè sẻn và tích lũy của cải một cách thái quá sẽ dẫn tới lãng phí và tổn thất nhiều … Từ nhận thức trên, ông đề ra biện pháp có tính lý luận triết học để giải quyết hiện thực là:

Thứ nhất, những cái đối lập tồn tại dựa vào nhau, thống nhất với nhau, do vậy trừ bỏ được một mặt trong đó thì cũng tức là trừ bỏ được mặt kia. Chẳng hạn ông nói: “Không tôn trọng người hiền, là làm cho nhân dân không tranh nhau; không coi trọng những của cải quý báu, là làm cho nhân dân không trộm cắp;… hoặc: “Ta sở dĩ có nhiều hoạn nạn, vì ta có thân. Nếu ta không có thân thì ta đâu có hoạn nạn”… Ở đây rõ ràng là ông mưu toan thủ tiêu mâu thuẫn chứ không phải là giải quyết mâu thuẫn.

Thứ hai, ông cho rằng muốn cho một vật nào đó suy tàn thì trước hết hãy làm cho nó tạm thời hưng thịnh lên đã, đến điểm tột cùng nó sẽ chuyển sang mặt đối lập (tức suy tàn). Ở đây ông quan niệm máy móc, không thấy được khuynh hướng phát triển của quá trình đấu tranh chuyển hóa giữa các mặt đối lập.

Về mặt chính trị: Lão Tử phủ định chế độ giai cấp “chia tách”, phủ định quan hệ thống trị trên dưới sang hèn, Ông chỉ trích: bọn “mặc quần áo gấm vóc, mang thanh gươm sắc bén, ăn món ngon vật lạ và tích lũy của cải quá nhiều, đó là kẻ trộm cướp”. Nhưng trong thực tiễn, ông lại tỏ rõ thái độ xa rời chính trị ngây thơ: “Chính phủ yên tĩnh vô vi, thì nhân dân sẽ biến ra chất phác; chính phủ tích cực làm việc, thì nhân dân sẽ có tai họa” hoặc “Thánh nhân vô vi, do đó, họ sẽ không bị thất bại; cái gì cũng không có, do đó, họ không mất gì cả”. Thái độ trốn tránh hiện thực, phục cổ và thủ tiêu đấu tranh của Lão Tử cũng thể hiện khá rõ. Ông chủ trương “không chống lại cái xấu” bởi vì “pháp luật càng nghiêm minh, thì trộm cướp càng lắm”, đòi hỏi giai cấp thống trị cũng như nhân dân phải tuân theo quy luật tự nhiên “vô vi mà thái bình”, trở lại cái xã hội truớc khi xuất hiện nhà nước. Ồng mơ ước đến một “nước nhỏ dân ít”, mọi người đều vui vẻ, ăn ngon mặc đẹp, hai nước láng giềng cùng trông thấy nhau, cùng nghe tiếng gà gáy, chó sủa của nhau mà nhân dân hai nước đến già, đến chết đều không cần qua lại với nhau.

Về luận lý, xã hội: Ông chủ trương con người cần phải trở lại trạng thái tự nhiên chất phác của trẻ con, “cần phải có trái tim ngu”. Ông chủ trương “học ở những người không học” và cho rằng “vứt bỏ thánh trí, nhân dân sẽ có lợi gấp trăm lần; vứt nhân bỏ nghĩa, nhân dân sẽ trở lại hiếu từ”. Tức là Lão Tử phủ định mọi quan niệm luân lý, quan niệm tốt xấu và mọi thứ văn hóa tinh thần của xã hội hiện thực mà trở lại với cái chất phác “vô danh”, trở lại với cái ý thức của trẻ con không phân biệt tốt xấu, phải trái. Từ đó ông cho rằng mọi sự sản xuất tinh thần, mọi văn hóa tinh thần đều là “ý muốn thừa và hành vi vô dụng”. Ông đã phủ định tri thức một cách cực đoan.

Trang Chu (369 – 286 tr. CN), ông sinh ra trong một gia đình quý tộc nhỏ đang sa sút ở nước Tống.

Nửa cuối của thời kỳ Chiến Quốc (thời đại của Trang Từ) cuộc đấu tranh diễn ra càng tàn khốc, sự phân hóa giai cấp trong xã hội diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tư tưởng Trang Tử phản ảnh tâm lý sợ sệt trước hiện thực tàn khốc, cần tìm đến một sự an ủi tinh thần và sự bảo toàn cá nhân của giai cấp quý tộc thị tộc chủ nô (và có sẽ cả của thân phận ông) vào lúc cuối mùa.

Vũ trụ quan của Trang Tử là một thứ vũ trụ quan duy tâm tuyệt đối. Ông đã đẩy đến cực đoan những yếu tố duy tâm trong quan niệm về Đạo” của Lão Tử. Nếu như Lão Tử còn có lý luận để nói về “Đạo” là “tính quy luật của tự nhiên”, là “trình tự của tự nhiên”… thì với Trang Tử “Đạo” là một thứ siêu không gian, siêu thời gian, siêu cảm giác: “Xem nó (“Đạo”) thì không có hình, nghe nó (“Đạo”) thì không có tiếng, nói tiếng nói loài người thì gọi nó (“Đạo”) là mờ mờ mịt mịt”. “Trời” theo Trang Tử chính là những điều tự nhiên, chưa (hoặc không) có sức người tác động vào làm thay đổi nó; còn người là vật tự nhiên đã được nhận thức, sáng tạo. Ông dẫn dụ: “Trâu, ngựa bốn chân, thế là trời; buộc đầu ngựa, xỏ mũi trâu, thế là người; cho nên nói rằng: chớ lấy người hại trời”. Quan niệm về Tiên vương của Trang Tử cũng mới lạ. Tiên vương trong quan niệm của Khổng, Mặc là Nghiêu, Thuấn tức là những con người cụ thể có thật, còn Trang Tử cho rằng Tiên vương và bạo chúa cũng như nhau, sở dĩ có sự phân biệt là do chí hướng của mỗi người, ở tập tục của mỗi thời, nếu đổi thời gian và tập tục thì bạo chúa, Tiên vương lại đổi chỗ cho nhau, ở đây theo phương pháp luận của chủ nghĩa tương đối, ông đã phê phán quan niệm Tiên vương có tính chất duy tâm cảm tính, có tính chất tôn giáo của Khổng Tử và Mặc Tử.

Nhận thức luận của Trang Tử được xây dựng dựa trên sự kế thừa nhưng cắt xén phần tiến bộ trong lý luận về nhận thức của Lão Tử. Ông cho rằng đối tượng nhận thức của loài ngừơi đều là những hình ảnh giả tưởng, do vậy sự xem xét, đánh giá cũng không có phải trái. Chẳng hạn sự đẹp, xấu, thiện, ác … là do con người tùy theo cảm tính, phong tục, thời thế … mà đặt ra, cho nên về mặt khách quan là không có sự thật. Do vậy ông chủ trương tư duy không phán đoán, không khái niệm; mà phải lấy cái “tâm thanh tịnh” “một mình qua lại vời trời đất”. Nghĩa là tinh thần phải hòa tan, thống nhất trực tiếp với tự nhiên, trời đất không cần thông qua trung gian phán đoán, khái niệm thì mới có nhận thức đúng. Trang Tử là một nhà ngụy biện nổi tiếng thời Chiến Quốc, phương pháp luận của ông chủ yếu là lôgíc “không cùng loại”. Một thí dụ điển hình: Huệ Thi hỏi ông: “Bác không phải là cá, sao biết cái vui của cá ?”, ông đáp: “Bác không phải là tôi, sao biết tôi không biết cái vui của cá”. Ở đây Trang Tử đã đem “cá” với “người” (không cùng loại) để so sánh với nhau.

Nhân sinh quan của Trang Tử suy cho đến cùng là thứ nhân sinh quan “vị ngã”. Trước hiện thực cuộc sống, ông đề ra hai cách ứng xử:

Thứ nhất, theo lý tưởng “thoát tục”, “thuận theo tự nhiên” mà chơi tiêu dao”, coi sống chết bằng nhau, quên “vật” và “ta”, “trời đất với ta cùng là một”, coi đời là một cuộc giải trí, một cõi mộng mà tỉnh dậy không biết là Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu.

Tuân Tử đâ phê phán nghiêm khắc tư tưởng này: “Lũ Trang Chu bông đùa loạn thế tục”.

Nhưng “thoát tục” đâu có phải dễ dàng, mà chủ yếu vẫn phải sống ở “trần tục” này, cho nên:

Thứ hai, để “toàn sinh”, phải “yên theo thời mà ở thuận”, “không chê trách phải trái, để ở cùng thế tục”, ông cho rằng sự tồn tại nào cũng là hợp lý cả tự nhiên hợp lý lưu hành thì hãy để cho nó tự lưu hành, không nên “buộc đầu ngựa, xỏ mũi trâu” làm gì, không nên khen chê tốt xấu, phải trái làm gì cho trái đạo tự nhiên, ông khuyên con người phải biết lánh nạn để bảo toàn sinh mạng: “Can thẳng không nghe thì lui chớ cãi”, bởi vì ông cho rằng người quân tử chết vì nghĩa và kẻ tiểu nhân chết vì của cải thì “hai cái chết ấy là một”.

Nhân sinh quan của Trang Tử đã có ảnh hưởng rất sâu sắc, rộng rãi và lâu dài trong lịch sử Trung Quốc. Trong một xã hội luôn biến động, các giai tầng và thân phận mỗi cá nhân luôn trồi thụt bất thường, họ tìm đến tư tưởng nhân sinh của Trang Chu như tìm đến một niềm an ủi, thú vui tinh thần hay một thứ vũ khí lý luận để biện minh cho thái độ ứng xử của họ trước thời cuộc.
[linkxem]https://drive.google.com/file/d/1Dv3pj607hbRkl0ZnxZJYhC22xMrwIars/preview[/linkxem] [linktai]https://drive.google.com/file/d/1Dv3pj607hbRkl0ZnxZJYhC22xMrwIars/view[/linktai]

No comments

Sử dụng tài khoản Google để bình luận. Nếu có lỗi ở link tải hãy để lại gmail chúng tôi sẽ gửi qua mail cho bạn.